![chan-thuong-bong-da](https://static.wixstatic.com/media/f6e29a_4d599644230f419b875741c905a5c46f~mv2.jpg/v1/fill/w_1589,h_440,al_c,q_85,usm_1.20_1.00_0.01,enc_avif,quality_auto/injured-football-player-pain.jpg)
CHẤN THƯƠNG BÓNG ĐÁ THƯỜNG GẶP VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH
Chấn thương bóng đá là điều không thể tránh khỏi dù người chơi đã có nhiều biện pháp ngăn ngừa và bảo vệ. Trong môn thể thao vua, các chiến binh “sân cỏ” cần có thể lực, sức mạnh tốt, tốc độ di chuyển nhanh nhẹn để chuyền và sút bóng vào lưới của đối thủ. Với nhiều pha va chạm trong trận đấu, bóng đá được xem là bộ môn thể thao có tỷ lệ chấn thương cao.
VÌ SAO BÓNG ĐÁ DỄ GÂY CHẤN THƯƠNG?
Bóng đá là môn thể thao có tính đối kháng tập thể quyết liệt. Trong suốt trận đấu, các cầu thủ thường phải di chuyển liên tục với tốc độ cao. Điều này rất dễ dẫn tới va chạm, chấn thương. Từ các va chạm nhỏ hoặc các cú nhảy đỡ bóng đều có thể ảnh hưởng đến cơ thể của người chơi.
Ngoài ra, không khởi động, làm ấm cơ thể trước khi vào trận đấu hoặc chế độ ăn uống, nghỉ ngơi không hợp lý cũng có thể khiến các cầu thủ dễ mắc chấn thương.
CÁC CHẤN THƯƠNG BÓNG ĐÁ THƯỜNG GẶP
-
Chấn thương cơ vùng đùi sau (hamstring)
Chấn thương cơ hamstring là tình trạng cơ vùng sau đùi bị rách hay bị kéo giãn quá mức. Chấn thương này có thể xảy ra cấp tính hay mạn tính do va chạm, té ngã đột ngột trong khi chơi bóng đá.
Để phòng ngừa chấn thương, cầu thủ cần khởi động thật kỹ trước khi thi đấu hoặc vào bài tập chính. Bạn nên thực hiện những bài tập kéo căng, uốn cong trong khoảng 3-5 phút trước và sau khi vận động mạnh.
-
Bong gân mắt cá chân
Bong gân mắt cá chân là một chấn thương phổ biến trong thể thao, đặc biệt là trong bóng đá. Đây là tình trạng chấn thương phần mềm, nguyên nhân thường do chấn thương đột ngột.
Bong gân mắt cá chân sẽ khiến dây chằng ở vị trí này bị tổn thương, gây giãn hoặc rách. Loại bong gân mắt cá phổ biến nhất là chấn thương dây chằng. Để phòng ngừa chấn thương này cần chú ý:
-
Quấn băng bảo vệ xung quanh vùng mắt cá chân
-
Sử dụng dụng cụ chuyên dụng để bảo vệ mắt cá chân
-
Khi có cảm giác đau đớn, sưng mắt cá chân sau va chạm, người chơi nên dừng mọi hoạt động để nghỉ ngơi, xoa bóp vùng đau, chườm đá để giúp giảm đau và sưng.
![chan-thuong-bong-da](https://static.wixstatic.com/media/f6e29a_142f38055b0e4c03b52b97daccf18b29~mv2.jpg/v1/fill/w_600,h_400,al_c,q_80,usm_0.66_1.00_0.01,enc_avif,quality_auto/close-up-sportsman-with-knee-sprain.jpg)
Bong gân mắt cá chân cần có biện pháp xử trí sớm, ngăn ngừa tiến triển nghiêm trọng
-
Chấn thương đầu gối
Các cầu thủ chơi bóng đá cũng thường gặp chấn thương ở đầu gối, chủ yếu là chấn thương dây chằng chéo trước và rách sụn chêm.
-
Chấn thương dây chằng chéo trước
Chấn thương dây chằng chéo trước xảy ra do trẹo đầu gối khi cầu thủ thay đổi hướng quá nhanh, dừng lại đột ngột, tiếp đất không tốt sau một bước nhảy hay va chạm với lực mạnh. Chấn thương dây chằng chéo trước thường xảy ra trong các môn thể thao cường độ cao như bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền…
Khi gặp chấn thương này, bạn nên hạn chế cử động đầu gối, có thể dùng nẹp, nạng để hỗ trợ di chuyển, xem xét những phương pháp vật lý trị liệu hay cân nhắc phẫu thuật đối với những trường hợp đứt dây chằng nghiêm trọng.
-
Rách sụn chêm
Sụn chêm giúp ổn định khớp gối, bảo vệ xương không bị hao mòn. Tuy nhiên, chỉ cần một cú xoay gối đột ngột khi tập luyện, chơi bóng đá đều có thể dẫn tới tình trạng sụn chêm bị rách hoặc vỡ.
Chấn thương có thể xảy ra tại nhiều vị trí khác nhau như rách sụn trong – ngoài, rách sừng trước – sau, rách vùng giàu mạch hoặc vô mạch…
Ngoài ra, hình thái vết rách cũng khác nhau như rách theo chiều dọc, chiều ngang, hình nan hoa, hình vạt hoặc những hình dạng phức tạp khác.
Để khắc phục tình trạng rách sụn chêm, bạn nên nghỉ ngơi, chườm đá, bất động khớp gối, hạn chế vận động, dùng thuốc giảm đau, chống viêm, chống phù nề theo chỉ định từ bác sĩ. Các trường hợp đáp ứng kém với điều trị nội khoa có thể được chỉ định phẫu thuật.
-
Viêm gân Achilles
Viêm gân Achilles (viêm gân gót chân) là tình trạng gân Achilles hoạt động quá mức dẫn đến tình trạng bị quá tải về lực và trọng lực, gây tổn thương lên vùng gót chân. Nếu không có biện pháp xử trí sớm, cầu thủ có thể đối mặt với nguy cơ đứt gân Achilles.
Khi mắc phải chấn thương này, bạn nên ngừng mọi hoạt động để nghỉ ngơi, áp dụng biện pháp sơ cứu R.I.C.E (nghỉ ngơi, chườm lạnh, băng ép, kê cao chân). Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định dùng các loại thuốc giảm đau hay thuốc chống viêm không kê đơn như naproxen, ibuprofen, aspirin…
Sau khi triệu chứng đau thuyên giảm, các kỹ thuật viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn các bài tập giúp thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương, tăng cường sức mạnh gân Achilles và hạn chế các nguy cơ viêm tái phát.
-
Gãy Xương
Sự va chạm mạnh giữa các cầu thủ trong trận đấu có thể gây gãy xương. Khi mắc chấn thương này, cầu thủ nên dừng mọi hoạt động và đến bệnh viện ngay lập tức. Gãy xương cần được điều trị bằng phẫu thuật để đưa xương về đúng vị trí và phục hồi các khớp, cơ càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng do bó bột.
Ngoài chấn thương do va chạm, gãy xương có thể do mỏi (stress fracture), thường xảy ra ở các xương phải chịu trọng lượng của cơ thể như xương cẳng chân và bàn chân.
Để xương nhanh lành cần lưu ý:
-
Tránh hút thuốc lá để tăng cường lưu lượng máu tới xương và tăng tốc độ phục hồi.
-
Áp dụng chế độ ăn uống khoa học, đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết cho xương phục hồi. Chế độ ăn cần cân bằng giữa đạm, chất xơ, vitamin, canxi.
-
Bổ sung canxi hợp lý, tránh nạp quá nhiều canxi vì không giúp hồi phục nhanh hơn mà còn làm tăng nguy cơ gặp phải những vấn đề sức khỏe như sỏi thận.
![chan-thuong-bong-da](https://static.wixstatic.com/media/f6e29a_6b4ce9fcccb1481ab15f9d45810f3bef~mv2.jpg/v1/crop/x_0,y_879,w_5472,h_2769/fill/w_790,h_400,al_c,q_80,usm_0.66_1.00_0.01,enc_avif,quality_auto/bone-fracture-foot-leg-male-patient-being-examined-by-woman-doctor-hospital.jpg)
Có thể gãy xương khi đang chơi bóng đá